Lan đột biến rớt giá cả trăm lần, người mua tan giấc mộng vàng
So với thời "hoàng kim" vào đầu năm 2020, hiện giá lan đột biến đã rớt cả trăm lần, nhiều người xót xa nhìn đống tiền giờ trở nên vô dụng.
Sau cơn sốt điên cuồng cách đây không lâu, lan đột biến dần chìm vào quên lãng. Nhưng, những người từng bỏ ra đống tiền để mua, mong làm giàu thì vẫn không ngừng nuối tiếc, xót xa.
Rớt giá 100 - 200 lần
Đó là nhận định của anh Nguyễn Hòa Bình, một người chơi lan đột biến tại Phú Thọ. “So với lúc tôi mới vào thị trường, lan đột biến bây giờ mất giá từ 100 - 200 lần. Ví dụ một cây lan đột biến thời điểm đó giá khoảng 2 tỷ đồng thì hiện tại giá là 2 triệu đồng, thậm chí là chỉ 1 triệu đồng", anh Bình nói.
Anh Bình kể: Khoảng tháng 2/2020, sau khi ăn lãi "một gấp đôi" nhờ vào một kie (mầm mọc ra từ mắt ngủ trên thân) lan đột biến “Lúa non HO”, anh Bình quyết định đầu tư tiếp hơn 500 triệu đồng vào thú chơi mới mẻ này. Nhưng đến giờ, vườn lan đột biến 500 triệu đồng của anh vẫn giữ nguyên, chưa bán bất kỳ một cây nào.
“Giờ có bán cũng chẳng ai mua, hoặc là rẻ còn hơn rau muống. Nên tôi giữ lại không bán", anh Bình nói.
Bên cạnh vườn lan 500 triệu đồng này, anh Bình từng vay mượn của người thân, bạn bè được số tiền hơn 4 tỷ đồng để đầu tư, hòng đổi đời nhờ lan đột biến. Thế nhưng sau đó, anh đã mất trắng số tiền trên vì sập bẫy gian thương.
Ông Nguyễn Việt H., một người chơi lan đột biến khác ở Hoà Bình cho biết, thời đỉnh điểm, các giò lan gốc có người trả giá hàng chục tỷ đồng để được sở hữu. Ông H. được chứng kiến nhiều cuộc mua bán, trao đổi tiền chất thành đống trong cộng đồng chơi lan. Người chơi không tiếc bỏ ra hàng chục tỷ đồng chỉ để được sở hữu cây lan bé tí tẹo có cái tên mỹ miều như: “Bạch Tuyết”, “Người đẹp Bình Dương”, “Người đẹp không tên”…
Bản thân ông H. hồi tháng 4/2021 cũng có lần mang theo máy đếm tiền để giao dịch lan đột biến tiền tỷ. Ông bán 2 cây lan “Bạch Tuyết" và “Á Hậu" cho một người chơi lan ở miền Trung với giá 4 tỷ đồng. Ngay sau đó, ông H. được biết người mua lan của ông đang bán sang tay cho một đại gia đồng hương và kiếm lời hàng tỷ đồng.
Sau cuộc giao dịch này chưa đầy một tháng, thị trường lan đột biến bất ngờ lao dốc. Mỗi kie lan đột biến có giá vài trăm triệu đồng tụt xuống chỉ còn vài chục triệu đồng (cho đến hiện tại, những kie này có trung bình dưới 1 triệu đồng, cao lắm cũng chỉ gần 2 triệu đồng).
Thời điểm đó, vẫn không tin lan đột biến sẽ giảm sâu hơn nữa nên ông H. đã bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để "bắt đáy". Nhưng không ngờ rằng có đáy lại có đáy sâu hơn. Giá lan đột biến cứ thế "tụt dốc không phanh", đến giờ đã mất đi vài trăm lần giá trị so với lúc "cơn sốt" đỉnh điểm.
Vỡ mộng đổi đời, của cải đội nón ra đi
Anh Nguyễn Hòa Bình kể, khoảng cuối 2019 đầu 2020, khi thị trường lan đột biến bắt đầu “lên cơn sốt", ban đầu anh nghe ngóng nhưng chưa đầu tư ngay. Sau này, thấy anh em bạn bè đầu tư lan đột biến có tiền mua nhà, mua xe đủ kiểu anh Bình mới bắt đầu lao vào thị trường này.
"Khi "cơn sốt" lan đột biến càng ngày càng nóng, tôi không thể ngồi im được nữa. Mỗi kie lan loại 5 cánh trắng Phú Thọ, HO đã có giá từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Thấy dễ kiếm tiền từ loài lan này, tôi quyết định “chơi lớn” một lần hòng đổi đời. Tôi tiếp tục vay mượn người thân và gia đình được số tiền hơn 4 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư vào lan đột biến mà không hề biết rằng sẽ trở thành một nạn nhân “mất cả tiền lẫn tình" như ngày hôm nay", anh Bình kể.
Theo anh Bình, mỗi ngày, anh nhận được hàng chục cuộc điện thoại để hỏi mua cây lan anh mới sở hữu, giá được trả liên tục tăng "nóng".
Thông qua hội nhóm, nhóm của anh Bình kết nối với 2 người đàn ông là Nguyễn Trung T. và Nguyễn Chí T. ở Bình Dương. Người thân của anh Bình vào tận nơi mua cây mang về, còn anh Bình ở nhà đăng bài lên mạng xã hội để bán. “Tôi không “ăn dày” nên chỉ bán sang tay. Mỗi khi mua được cây, tôi đăng lên mạng xã hội rao bán. Được người trong giới tin tưởng, tôi đăng bài lên là 1-2 tiếng sau bán được cây ngay".
Chỉ trong vòng một tháng (9-10/2020), nhóm của anh Bình đã mua của 2 người đàn ông tại Bình Dương khoảng 100 cây lan đột biến, bao gồm “Bạch Tuyết", “Hồng Yên Thuỷ", “Hồng Minh Châu", với số tiền gốc bỏ ra khoảng hơn 4 tỷ đồng. Kinh doanh thuận lợi, anh Bình thu về gần 2 tỷ đồng tiền lãi.
Khi còn đang ở trên đỉnh của sự giàu sang nhờ lan đột biến, được bạn bè kiêng nể, người thân yêu chiều, hết lời ca tụng vì “khởi nghiệp thành công" thì anh Bình bắt đầu nhận "quả đắng".
Tháng 4/2021, một khách hàng ở Vĩnh Phúc báo với anh rằng cây “Hồng Yên Thuỷ" người này mua của anh với giá hơn 400 triệu đồng ra hoa không đúng. “Vì khi kinh doanh, tôi luôn bảo hành cây cho khách hàng cho đến khi ra hoa, đúng hoa thì mới thôi. Đúng như bảo hành, tôi đã đền tiền cho người ta".
Liên tiếp trong tháng 4-5/2021, có cây thì ra nụ sai, có cây thì thân lá sai. Khách hàng mua lan đột biến của anh Bình liên tục đòi trả cây lấy lại tiền. Toàn bộ cây không đúng như cam kết đều là những cây mà nhóm anh Bình đã mua của nhóm 2 người đàn ông trong Bình Dương.
Lúc bấy giờ, anh Bình mới nhận ra mình đã bị lừa. Tìm mọi cách liên lạc với nhóm bán cây ở Bình Dương không được, anh Bình buộc phải bỏ toàn bộ vốn liếng, lãi lời ra đền cây cho khách hàng.
“Số tiền gốc hơn 4 tỷ đồng bào gồm 2 tỷ đồng bố mẹ tôi dành dụm cả đời, gần một nửa còn lại là vay mượn bạn bè người thân bây giờ mất sạch. Bố mẹ thì thất vọng, bạn bè thì đòi tiền vay bằng được, đến cả người yêu thương nhất là cô vợ sắp cưới yêu 3 năm cũng rời bỏ. Bây giờ là tay trắng!”, anh Bình buồn bã nhớ lại.
Quyết tìm mọi cách để lấy lại số tiền đã mất, anh Bình đã bay vào Bình Dương để tìm gặp hai đối tượng lừa bán lan đột biến giả để đòi lại tiền.
“Tôi vào đến nơi, vẫn gặp được hai người đó nhưng họ dẫn theo gần 30 người khác đi theo để dằn mặt. Họ cãi bay chối biến dù tôi có đưa ra những đoạn video giao dịch lan trước đó".
Sau đó, anh Bình buộc phải gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng tố giác hành vì lừa đảo của nhóm này. Tuy vậy, số vốn anh Bình bỏ ra vẫn nguy cơ khó đòi về, vì tất cả giao dịch chỉ qua lời nói. Anh Bình xót xa nói: "Đây là kinh nghiệm xương máu, không ai làm giàu dễ thế cả. Tôi đã sai lầm khi đổ hết vốn liếng vào một thị trường ảo mà không hiểu rõ được bản chất thực sự".
Còn ông Nguyễn Việt H., sau khi đã bỏ ra 2 tỷ đồng để bắt đáy, ông đã sở hữu thêm hàng loạt cái tên đình đám, nào là Hồng Tiên Sa, Hồng Yến, Bạch Tuyết, Á Hậu...Nhưng đến bây giờ, cả vườn lan đột biến của ông H. cũng chỉ để ngắm chơi, càng nhìn càng xót ruột.
Nhận xét
Đăng nhận xét